Tìm kiếm
Hội thảo lấy ý kiến thống nhất về hồ sơ nhãn hiệu tập thể “cá Dìa Tam Giang”
Ngày cập nhật 20/09/2023

Ngày 19/9/2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo lấy ý kiến thống nhất về danh mục sản phẩm; bản đồ khoanh vùng địa lý; mẫu logo; quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “cá Dìa Tam Giang”. Đây là một trong những nội dung thuộc Dự án “Phát triển vùng nuôi cá Dìa (Siganus guttatus) thương phẩm theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu “Cá Dìa Tam Giang” tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Tham dự có TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ.

 

Vùng đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai được xem là một trong những “vựa cá tôm” lớn của Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng. Phần lớn, các huyện, thị xã ở tỉnh Thừa Thiên Huế đều có vùng nuôi trồng thủy sản trên vùng đầm phá này. Trong đó, huyện Phú Vang có diện tích nuôi lớn nhất, chiếm hơn 57%; huyện Phú Lộc chiếm hơn 21%; còn lại là Thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền và Quảng Điền. Trên cơ sở tiềm năng và lợi thế đó, những năm gần đây, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã có nhiều bước phát triển về nghề nuôi trồng thủy sản. Trong đó, nuôi cá Dìa là một trong những nghề thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân sống ven đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và là một trong những sản phẩm thủy đặc sản đưa vào để xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ và nhãn hiệu tập thể theo Đề án “Phát triển thủy đặc sản vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025” của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Toàn cảnh Hội thảo

Là loài cá có chất lượng thịt ngon, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, tuy nhiên sản phẩm cá Dìa được nuôi trồng trên vùng đầm phá hiện nay chủ yếu vẫn được thu mua qua các đầu mối thu mua nhỏ lẻ với nhiều khâu trung gian dẫn đến giá cả thị trường không ổn định.

Để nâng cao giá trị sản phẩm cá Dìa Tam Giang - Cầu Hai, tăng nguồn thu nhập người dân, đồng thời giúp người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh có thể dễ dàng nhận diện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành thực hiện Dự án “Phát triển vùng nuôi cá Dìa (Siganus guttatus) thương phẩm theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu “Cá Dìa Tam Giang” tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua đó bước đầu cơ bản đạt mục tiêu xây dựng mô hình nuôi cá Dìa thương phẩm với quy mô 02 ha (Các chỉ tiêu kỹ thuật: năng suất 3,6 tấn/ha, tỷ lệ sống ≥ 60% và trọng lượng trung bình 200g/con). Hiện tại, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế đang trong quá trình thiết lập hồ sơ đăng ký Nhãn hiệu tập thể “Cá Dìa Tam Giang”, văn bằng bảo hộ; hệ thống truy xuất nguồn gốc và xây dựng mô hình tổ chức quản lý, phát triển và khai thác Nhãn hiệu tập thể “Cá Dìa Tam Giang” trên thực tế.

TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, việc xây dựng phương án tổ chức và quản lý Nhãn hiệu tập thể “Cá Dìa Tam Giang” là rất cần thiết, tạo ra sản phẩm đặc trưng và mang thương hiệu của tỉnh Thừa Thiên Huế, giúp tăng cường tính nhận diện của sản phẩm cá Dìa - sản phẩm thủy đặc sản của vùng đầm phá, từ đó nâng cao giá trị và uy tín của Nhãn hiệu tập thể “Cá Dìa Tam Giang”, góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tham gia dự án và người dân sống ở vùng ven đầm phá. Vì vậy, các nội dung về danh mục sản phẩm; bản đồ khoanh vùng địa lý; mẫu logo; quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “cá Dìa Tam Giang” cần phải được thống nhất một cách đồng bộ để đạt được mục tiêu và ý nghĩa cao nhất, tiến tới phát triển thành sản phẩm chủ lực của địa phương.

KS. Trần Đình Tri - Trưởng phòng Nghiên cứu Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ - Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ thông qua các nội dung lấy ý kiến thống nhất về hồ sơ nhãn hiệu tập thể “cá Dìa Tam Giang”

Cũng tại Hội thảo, KS. Trần Đình Tri - Trưởng phòng Nghiên cứu Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ - Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo các nội dung lấy ý kiến về danh mục sản phẩm; bản đồ khoanh vùng địa lý; mẫu logo; quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “cá Dìa Tam Giang”. Thông qua các nội dung báo cáo, nhiều ý kiến góp ý đã được đơn vị thực hiện được tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện lại trước khi cho ra sản phẩm cuối cùng.

Nhật Trinh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 278.891
Truy cập hiện tại 66