Tìm kiếm
Công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo ở Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 25/05/2015

Thừa Thiên Huế một trong những trung tâm tôn giáo của miền Trung và cả nước, có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế, chính trị, văn hóa và an ninh quốc phòng. Thừa Thiên Huế có 4 tôn giáo chính là: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài.

 

Tín đồ các tôn giáo khá đông, chiếm gần 60% dân số toàn tỉnh. Ngoài ra, ở Thừa Thiên Huế còn có một số tín ngưỡng dân gian khác như: thờ thánh mẫu Liễu Hạnh, thờ thánh mẫu Yana, thờ tổ tiên ông bà, thờ các vị khai canh, thờ anh hùng dân tộc,…

Trong những năm qua, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Thừa Thiên Huế cơ bản ổn định. Có được kết quả này là do lực lượng cán bộ làm tôn giáo của tỉnh thường xuyên được sự quan tâm, chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể các cấp. Việc thực hiện chính sách đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong sự nghiệp đổi mới của tỉnh đã đạt được những kết quả tốt. Có thể nói, đa phần chức sắc, tín đồ theo đạo ở Thừa Thiên Huế đều có quan hệ gần gũi với chính quyền địa phương. Họ tích cực tham gia vào các phong trào, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tình hình an ninh tôn giáo cơ bản ổn định, các sinh hoạt tôn giáo ngày càng đi vào nề nếp, tuân thủ pháp luật, hài hòa giữa việc đời việc đạo. Giữa các tổ chức tôn giáo với chính quyền các cấp ngày càng gần gũi, tình cảm, chia sẻ và hợp tác chặt chẽ. Phần lớn tín đồ giáo dân phấn khởi trước những thành tựu của đất nước và tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng lãnh đạo. Họ tích cực tham gia xây dựng cuộc sống “tốt đời - đẹp đạo”, chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các hoạt động lợi dụng tôn giáo của một số phần tử đội lốt nhà tu hành đã bị nhân dân, tín đồ, chức sắc các tôn giáo phản đối, không thừa nhận… Bộ máy cán bộ làm công tác tôn giáo ngày càng trưởng thành, được trang bị các kiến thức kỹ năng cần thiết để giải quyết công tác tôn giáo, đảm bảo đúng chính sách, đúng pháp luật, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của chức sắc, tín đồ các tôn giáo.
 
Từ đầu năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và của tỉnh như: đón tết Nguyên đán Nhâm Thìn, kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, 37 năm ngày giải phóng Thừa Thiên Huế, khởi động năm du lịch Quốc gia các tỉnh Bắc Trung bộ - Huế 2012, Fesstival Huế… Một số hoạt động tôn giáo đáng chú ý như: Đại hội Phật giáo các huyện, thị xã chuẩn bị tiến tới Đại hội Phật giáo nhiệm kỳ VI(2010 – 2017) của Ban trị sự tỉnh hội Phật giáo, chuẩn bị nhân sự Tòa Tổng Giám mục Huế… Các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đều tổ chức hoạt động lễ hội để cầu nguyện quốc thái dân an. Nhìn chung, hoạt động của các tổ chức tôn giáo diễn ra ổn định, tuân thủ pháp luật. Trong những dịp lễ trọng của mỗi tôn giáo, đông đảo đồng bào có tín ngưỡng cũng như không tín ngưỡng đến chùa, nhà thờ, thánh thất,… để cầu mong một năm có nhiều điều tốt đẹp, an lành đến với bản thân, gia đình và xã hội. Ví dụ như một số hoạt động tôn giáo thuần túy của đạo Phật và Công giáo.
 
Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo đã tổ chức Lễ bổ nhiệm Ban Đại diện Phật giáo các huyện, thị xã nhiệm kỳ 2012 – 2017 và làm công tác nhân sự để chuẩn bị cho Đại hội Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ VI (2012 – 2017). Ban Từ Thiện xã hội của tỉnh hội Phật giáo tổ chức tặng quà Xuân cho 1.030 hộ nghèo tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị; thăm tặng quà cho 1.696 bệnh nhân phong tại các tỉnh Nghệ An, Bình Định và thủ đô Hà Nội. Phối hợp với công ty Cổ phần Đất Việt tổ chức lễ cầu nguyện quốc thái dân an; phối hợp với Ban tổ chức lễ hội Văn hóa Huyền Trân năm 2012 tổ chức lễ hội đền Huyền Trân năm 2012; đại lễ Phật đản Phật lịch 2556… Các lễ hội diễn ra thuần túy tôn giáo thu hút đông đảo bà con nhân dân và du khách đến tham dự.
 
Tổng Giám mục Giáo phận Huế tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày thụ phong linh mục (lễ Kinh Thánh) cho Tổng Giám mục Giáo phận Huế Nguyễn Như Thể. Ủy Ban Công lý và hòa bình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức tập huấn – hội thảo tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Huế…
 
Để các chức sắc, tín đồ theo đạo tin tưởng vào đường lối của Đảng và Nhà nước, ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; chính quyền địa phương các cấp đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tạo điều kiện giúp đỡ tổ chức tôn giáo trên mọi lĩnh vực hoạt động. Có hàng trăm tự viện, tổ đình, chùa làng, nhà thờ nhà nguyện dòng tu được sửa chữa, xây dựng mới. Trong đó, có cả những cơ sở thờ tự mới được xây dựng tại các vùng kinh tế mới. Có hàng trăm giáo sĩ, tu sĩ được phép đi nước ngoài để dự hội thảo, học tập, tham quan, chữa bệnh… Hàng trăm đầu sách tôn giáo được in ấn, xuất bản. Các sinh hoạt tôn giáo bình thường được chính quyền hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện. Những lễ hội lớn của các tôn giáo ở Thừa Thiên Huế như lễ Phật đản, Vu lan, lễ hội Quán Thế Âm, lễ Giáng sinh, Phục sinh, lễ hội hành hướng La Vang đã được tổ chức với quy mô lớn về nội dung lẫn hình thức, thu hút hàng vạn tín đồ tham dự. Ngoài ra, các hoạt động từ thiện xã hội của Giáo hội như: giáo dục, y tế cũng được chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi. Được tổ chức tôn giáo giúp đỡ, hiện nay có hàng trăm lớp mẫu giáo, nhà trẻ với hàng ngàn cháu đã đi học đúng theo chương trình giảng dạy của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các phòng khám từ thiện của Phật giáo, Công giáo tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho hàng vạn lượt người trong và ngoài tỉnh. Nhiều tổ chức tôn giáo cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương tham gia xây dựng điện, đường, trường, trạm và nhiều công trình phục vụ dân sinh khác.
 
Ông Nguyễn Tài Tuệ, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định: “Một trong những thành công trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở địa phương là sự phối hợp chặt chẽ giữa các các ban, ngành trong tỉnh”. Quả đúng như vậy, bởi công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Việc phối hợp giữa các ban, ngành có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp cho Ban Tôn giáo tỉnh dự báo được tình hình tôn giáo. Đồng thời Ban Tôn giáo tỉnh phối hợp tham mưu, đề xuất giúp chính quyền địa phương chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến tôn giáo theo quy định pháp luật. Trong những năm qua, Ban Tôn giáo tỉnh đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể quần chúng, chính quyền các địa phương để hướng dẫn các tôn giáo hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo như: hướng dẫn, giúp đỡ Giáo hội Phật giáo tỉnh tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch, lễ Vu lan, lề hội Quán Thế Âm,…; giúp đỡ Giáo hội Công giáo tổ chức lễ Phục sinh, lễ Thiên Chúa Giáng sinh, lễ hội Hành hương La Vang, tĩnh tâm linh mục Giáo phận Huế, đăng ký hoạt động cho dòng tu,...; tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo sinh hoạt trong khuôn khổ pháp luật, đảm bảo hài hòa giữ việc đời, việc đạo, ngày càng gắn kết trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các địa phương nắm chắc tình hình hoạt động của các nhóm, phần tử cực đoan trong tôn giáo để tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết các vụ việc liên quan đến tôn giáo nhạy cảm,…; đồng thời tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của chức sắc và tín đồ các tôn giáo để đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hoạt động lợi dụng tôn giáo chống phá chính quyền của nhóm mạo xưng “Ban đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất Thừa Thiên Huế” và một số tu sĩ cực đoan khác, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tôn giáo, góp phần đảm bảo an ninh tôn giáo trên địa bàn.
 
Ban Tôn giáo tỉnh cùng Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân tỉnh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng chương trình phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động hội viên, đoàn viên, chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo thực hiện chủ trương, đường lối chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Thông qua các chương trình lồng ghép, các đoàn thể đã tập hợp lực lượng quần chúng có đạo, vận động chức sắc tín đồ chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tham gia các phong trào ở địa phương, cùng nhau đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
 
Đồng bào có đạo trong các cộng đồng tôn giáo ở Thừa Thiên Huế gắn bó, hài hòa trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hăng hái tham gia thực hiện các phong trào “điện, đường, trường, trạm”, các chương trình về kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa xã hội của địa phương. Đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân nói chung và đồng bào theo đạo nói riêng được cải thiện.
tinhuytthue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 278.891
Truy cập hiện tại 340