Tìm kiếm
Chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong tuần qua (từ 19/6 – 26/6/2016)
Ngày cập nhật 28/06/2016

Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu cải thiện vị trí xếp hạng PCI ở nhóm tốt; Thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Tổ chức trục vớt, xử lý dứt điểm bèo lục bình; Công bố danh mục thủ tục hành chính được chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Khoa học và Công nghệ; Tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Cấm xe tải có tổng tải trọng trên 15 Tấn (15T) lưu thông trên đường Nguyễn Huệ; Tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép; Công bố thủ tục hành chính được chuẩn hóa thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ban Dân tộc… là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong tuần qua (từ 19/6 – 26/6/2016).

Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu cải thiện vị trí xếp hạng PCI ở nhóm tốt

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 và Nghị quyết số35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ; Cải thiện vị trí xếp hạng PCI tỉnh ở nhóm tốt. Đó là mục tiêu của Kế hoạch Nâng hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 vừa được UBND tỉnh ban hành ngày 20 tháng 6 năm 2016.

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề ra các giải pháp chung để cải thiện các chỉ số cạnh tranh đó là triển khai có hiệu quả chương trình hoạt động “Năm Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế”. Tăng cường nhận thức về quan điểm, mục tiêu, thay đổi một cách căn bản cung cách phục vụ doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp;  tập huấn, nâng cao kỹ năng, phong cách phục vụ dịch vụ của cán bộ ở các bộ phận hành chính công. Tiếp tục rà soát và nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tập trung cải cách hành chính lĩnh vực quản lý đất đai. Tập trung nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô để thu hút đầu tư. Nâng cao chất lượng cổng thông tin điện tử của tỉnh và các trang web của các sở, ban, ngành, địa phương, các trang thông tin kinh tế xã hội; từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận đầy đủ thông tin về quy hoạch, kế hoạch, hệ thống văn bản pháp quy, số liệu... của tỉnh. Đưa vào vận hành chính thức Trung tâm hành chính công trực tuyến nhằm đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến để tiết kiệm thời gian và chi phí thực hiện các quy định nhà nước. Tăng cường chất lượng và thời gian thụ lý, xét xử các vụ án kinh tế của Tòa án các cấp để doanh nghiệp tin tưởng vào phán quyết của Tòa án, tạo lòng tin cho doanh nghiệp đối với khả năng bảo vệ của các cơ quan pháp luật về vấn đề bản quyền hoặc thực thi hợp đồng kinh tế. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tăng cường công tác đối thoại, tiếp dân, tạo niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp đối với hoạt động điều hành của chính quyền cũng như định hướng phát triển của tỉnh.

Thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Đây là mục tiêu đáng chú ý được nêu lên tại Kế hoạch Phát triển Thương mại điện tử (viết tắt TMĐT) tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 - 2020 vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành ngày 23 tháng 6 năm 2016.

Theo đó, mục tiêu chung của Kế hoạch Phát triển thương maị điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 – 2020 được xác định là triển khai đồng bộ các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực TMĐT trên địa bàn của tỉnh, đưa TMĐT trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong các cơ quan quản lý nhà nước và đại bộ phận các doanh nghiệp trong tỉnh; góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Phấn đấu đến năm 2020, lĩnh vực TMĐT trên địa bàn của tỉnh đạt được những mục tiêu cụ thể như đảm bảo liên kết thanh toán TMĐT giữa các ngân hàng, bưu điện và các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến nhằm triển khai hiệu quả hoat động sàn giao dịch TMĐT và chính quyền điện tử. Đẩy mạnh cấp phát và sử dụng chữ ký số trong tất cả cơ quan quản lý nhà nước và tại các doanh nghiệp lớn và vừa trên địa bàn tỉnh. Tận dụng các chương trình phát triển TMĐT quốc gia về khuyến công nhằm hỗ trợ xây dựng website cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn. Tất cả hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở phân phối hiện đại, cơ sở cung cấp điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận phương thức thanh toán qua phương tiện điện tử. Tăng tỷ lệ sử dụng thẻ thanh toán trong các hoạt động giao dịch TMĐT và dịch vụ công, đến năm 2020 đạt khoảng 30% số người sử dụng thẻ để thanh toán trong các hoạt động giao dịch. 40% doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch TMĐT của tỉnh và các sàn cung cấp dịch vụ TMĐT khác; 60% doanh nghiệp có Website riêng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm. 100% cán bộ chuyên trách TMĐT được đào tạo bài bản, kiến thức chuyên môn vững. Có 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở lên cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong tất cả các lĩnh vực trên toàn tỉnh. Ứng dụng rộng rãi các hình thức thanh toán điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B); giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C); giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước (B2G); giữa các cá nhân với nhau (C2C); giữa cơ quan nhà nước với cá nhân (G2C).

 

Tổ chức trục vớt, xử lý dứt điểm bèo lục bình

Tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong qua trình tổ chức thực hiện công tác xử lý, trục vớt bèo Lục bình của địa phương, đơn vị mình trong thời gian qua; triển khai giải pháp duy trì thường xuyên công tác xử lý bèo Lục bình trong thời gian tới; không được để bèo phát triển trở lại;  phải xây dựng kế hoạch thường xuyên, phân công cụ thể cho từng đơn vị, phường, xã, hợp tác xã, thôn, xóm, cụm dân cư chủ động trục vớt bèo Lục bình ngay tại chỗ nơi mình đang quản lý và có biện pháp sử dụng bèo Lục bình làm phân bón cho cây trồng một cách hữu ích. Trước mắt, yêu cầu các địa phương còn bèo Lục bình chưa được vớt hết, phải tổ chức trục vớt, xử lý dứt điểm, nhất là các vùng có bèo Lục bình nhiều khả năng trôi dạt phát tán về các con sông lớn như sông Hương, sông Bồ...

Đó là yêu cầu của UBND tỉnh đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các đơn vị liên quan được nêu lên tại Thông báo (số 182/TB-UBND, ngày 24 tháng 6 năm 2016) Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính tại Hội nghị sơ kết công tác trục vớt bèo Lục bình năm 2016.

Ngoài ra, UBND tỉnh còn yêu cầu UBND thành phố Huế, thị xã Hương Trà, Hương Thủy và huyện Phú Vang xây dựng kế hoạch phối hợp giữa các địa phương có các sông, hói giáp ranh để tổ chức xử lý, trục vớt bèo Lục bình đảm bảo thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, tránh chồng chéo, hoặc để sót.

UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế theo thẩm quyền được phân cấp, tổ chức chỉ đạo công tác quản lý và xử lý, trục vớt bèo Lục bình ở địa phương mình; chủ động sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường  được bố trí hàng năm để thực hiện. Trong trường hợp khối lượng công việc xử lý trục vớt bèo quá lớn, không cân đối được nguồn kinh phí của địa phương thì lập dự toán gửi Sở Tài chính để tham mưu đề xuất.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình thực hiện nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra công tác trục vớt bèo định kỳ, thường xuyên của các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Thủy, Hương Trà và thành phố Huế; định kỳ hàng tháng báo cáo UBND tỉnh.

Được biết, qua đợt phát động cao điểm trong đầu năm 2016, các địa phương đã tích cực chỉ đạo triển khai xây dựng ban hành kế hoạch và đã tổ chức xử lý trục vớt được gần 1 triệu m2  bèo Lục bình trên các sông, suối, kênh mương, ao hồ trên địa bàn các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Trà, Hương Thủy và thành phố Huế. Các địa phương như thành phố Huế, thị xã Hương Trà, Hương Thủy, huyện Phú Vang đã có nhiều biện pháp tích cực quyết liệt trong việc phân công, phối hợp thống nhất đồng bộ và tổ chức huy động lực lượng tốt, nên đã cơ bản giải quyết được tình trạng bèo phát triển tự phát. Bên cạnh đó, một số địa phương triển khai chậm, chưa đồng bộ, chưa phát huy được vai trò của người dân nên kết quả đạt chưa cao. Nhiều ao hồ, kênh mương nội đồng chưa được xử lý tốt, khối lượng bèo Lục bình còn nhiều.

 

Công bố danh mục thủ tục hành chính được chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Quyết định số 1412/QĐ-UBND ngày 23 tháng 6 năm 2016 về việc công bố danh mục thủ tục hành chính được chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo đó, có 28 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ; 7 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ hạt nhân; 2 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Sở Hữu Trí tuệ; 10 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (chi tiết tại file đính kèm).

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm công bố công khai Danh mục thủ tục hành chính này tại trụ sở cơ quan và trên Trang Thông tin điện tử của Sở Khoa học và Công nghệ; đồng thời có trách nhiệm cập nhật các thủ tục hành chính mới được công bố vào Hệ thống thông tin thủ tục hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế theo đúng quy định.

Tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng

Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, ngày 23 tháng 6 năm 2016, UBND tỉnh đã có Công văn số 3563/UBND-KNNV yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tập trung thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 21/3/2016 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chương trình công tác trọng tâm năm 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phòng, chống tham nhũng.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ trong cơ quan đơn vị, bảo đảm công khai minh bạch hoạt động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, tạo điều kiện để mọi người tham gia phát hiện hành vi tham nhũng.Tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng để xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; khắc phục tình trạng nể nang, xử lý không nghiêm các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ, thanh tra chuyên ngành để phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng và xử lý theo đúng quy định pháp luật; đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể, Ban Thanh tra nhân dân nhằm kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ giám định trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý có trách nhiệm thực hiện đúng quy trình giám định chuẩn theo quy định. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp trong công tác giám định tư pháp để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, giải quyết các vụ án tham nhũng.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tổ chức thực hiện nghiêm túc, định kỳ 6 tháng, năm gửi báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) để tổng hợp báo cáo.

 

Cấm xe tải có tổng tải trọng trên 15 Tấn (15T) lưu thông trên đường Nguyễn Huệ

Ngày 23 tháng 6 năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản thống nhất chủ trương cấm xe tải có tổng tải trọng trên 15 Tấn (15T) lưu thông trên đường Nguyễn Huệ, thành phố Huế.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, tổ chức cắm biển, hoàn thành trước 15/7/2016; phối hợp với UBND thành phố Huế và các cơ quan liên quan thông báo, tuyên truyền, hướng dẫn để các tổ chức, người dân biết, chấp hành trước khi đưa vào áp dụng xử phạt theo quy định. Đồng thời tiếp tục rà soát, có giải pháp điều chỉnh, tổ chức phân luồng giao thông đối với các xe tải nặng nhằm bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố Huế; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/7/2016.   

Ngoài ra, đối với việc lắp đặt đèn giao thông tại nút giao phía Bắc cầu Dã Viên: Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đèn giao thông tại nút giao bằng nguồn vốn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông. Chủ tịch UBND tỉnh giao Công an thành phố Huế chủ trì, rà soát hiện trạng giao thông và tình hình khai thác sử dụng hệ thống đèn tín hiệu hiện có tại khu vực nút giao, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; báo cáo UBND tỉnh trước 30/7/2016.

 

Tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép

Nhằm xử lý dứt điểm tình trạng hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, tiêu thụ cát, sỏi lòng sông trái phép diễn ra ngang nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Công văn số 3482/UBND-XD ngày 20 tháng 6 năm 2016 yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép khai thác cát, sỏi. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định sau cấp phép; trường hợp các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác cát, sỏi thực hiện không đúng theo Giấy phép khai thác, tham mưu UND tỉnh đình chỉ và thu hồi Giấy phép. Lưu ý đối với các trường hợp tái vi phạm, cương quyết thu hồi và không gia hạn Giấy phép (nếu không thực hiện đúng các cam kết). Thông báo cho các địa phương danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm để theo dõi và phối hợp quản lý.

Các địa phương rà soát, thống kê danh sách các cá nhân, hộ gia đình đang hoạt động khai thác trên địa bàn quản lý (lưu ý thống kê, nắm rõ kèm theo danh sách các xe vận chuyển của các đơn vị khai thác); chủ động và tham gia phối hợp thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép khai thác cát, sỏi và các bãi tập kết cát sỏi. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện các đơn vị, tổ chức vận chuyển vật liệu khai thác không rõ nguồn gốc, kịp thời xử lý ngay và báo cáo UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư để thu hồi Giấy đăng ký kinh doanh. Riêng đối với địa bàn huyện Nam Đông, khẩn trương tổ chức kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh về trường hợp phản ánh của báo Sài Gòn giải phóng trước ngày 30/6/2016.

Sở Xây dựng phối hợp với thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường, các đơn vị liên quan và các địa phương tổ chức thanh, kiểm tra đột xuất và định kỳ từng bãi một theo quy hoạch đã được phê duyệt, nắm rõ danh sách các doanh nghiệp, số lượng xe hoạt động khai thác theo từng doanh nghiệp để thuận tiện, chủ động hơn trong công tác kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm. Công khai thông báo các địa điểm khai thác trái phép cho chính quyền địa phương và trên các phương tiện thông tin theo quy định. Có Công văn hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động xây dựng trên địa bàn khi sử dụng cát, sỏi, VLXD phải đảm bảo rõ nguồn gốc; không thanh toán đối với các trường hợp không có hóa đơn, chứng từ hoặc không rõ nguồn gốc.

Báo Thừa Thiên Huế, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh (TRT), Đài phát thanh các địa phương tăng cường tuyên truyền giáo dục, thông tin rộng rãi đến nhân dân và các chủ phương tiện nghiêm túc thực hiện tốt Quyết định số 29/2013/QĐ-UBND ngày 29/7/2013 và Quyết định số 770/QĐ-UBND ngày 07/5/2012 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các Chỉ thị có liên quan của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh; đặc biệt, nêu rõ trách nhiệm thi hành pháp luật phải thực hiện khi tiến hành các hoạt động khai thác trái phép và mua, bán, vận chuyển vật liệu không rõ nguồn gốc. Căn cứ danh mục các cá nhân, tổ chức vi phạm khai thác trái phép, công khai cho nhân dân biết để phối hợp giám sát, phát hiện kịp thời xử lý vi phạm.

Công an tỉnh tập trung chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện Kế hoạch số 2707/KH-CAT-PV11 ngày 19/5/2016 của Giám đốc Công an tỉnh về tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi trên sông và cửa biển. Khẩn trương báo cáo các nội dung theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 3131/UBND-XD ngày 06/6/2016. Tăng cường phối hợp với Chính quyền, Công an các địa phương cương quyết xử lý dứt điểm các trường hợp tàu, thuyền, xà lan vi phạm quy định về khai thác và vận chuyển cát, sỏi; đặc biệt các trường hợp báo chí và nhân dân phản ánh về tình trạng nhiều tàu sắt có công suất lớn, thường xuyên chở cát sạn và có hành vi chống đối lực lượng thi hành công vụ tại khu vực sông Hương đoạn qua thành phố Huế, khu vực xã Dương Hòa, xã Hương Thọ, các khu vực quanh di tích, lăng tẩm... trong khoảng thời gian sau 20h.

 

Công bố thủ tục hành chính được chuẩn hóa thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ban Dân tộc

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 1343/QĐ-UBND ngày 20 tháng 6 năm 2016 về việc công bố thủ tục hành chính được chuẩn hóa thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ban Dân tộc, cụ thể như sau:

STT

Tên thủ tục hành chính

Lĩnh vực

Cơ quan thực hiện

Cơ quan có thẩm quyền quyết định

I

Thủ tục hành chính cấp tỉnh

 

1

Bình chọn, xét công nhận người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Dân tộc

UBND cấp xã

UBND tỉnh

2

Xác định đối tượng thụ hưởng chính sách theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản ĐBKK.

Dân tộc

UBND cấp huyện

 

 

UBND tỉnh

II

Thủ tục hành chính cấp huyện

 

 

 

3

Phê duyệt đối tượng vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015

Dân tộc

UBND cấp xã

 

UBND huyện

Tại Quyết định này, Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban Dân tộc có trách nhiệm cập nhật các thủ tục hành chính mới được công bố vào Hệ thống thông tin thủ tục hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế theo đúng quy định. Ban Dân tộc tỉnh, UBND các huyện, các thị xã, thành phố Huế, Uỷ ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm công bố, công khai thủ tục hành chính này tại trụ sở cơ quan và trên trang thông tin điện tử của đơn vị.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và bãi bỏ Quyết định 144/QĐ-UBND ngày 19 tháng 01 năm 2015 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh.

Theo Thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 278.891
Truy cập hiện tại 371