Tìm kiếm
Cách mạng tháng Mười Nga: Sự kiện vĩ đại trong thế kỉ XX
Ngày cập nhật 24/10/2014

Các nhà sử học đều thống nhất nhận định, Cách mạng Tháng Mười Nga đã đập tan chủ nghĩa đế quốc ở khâu yếu nhất là đế quốc Nga. Kể từ đó, về cơ bản thế giới thành hai chế độ đối lập nhau là Chủ nghĩa tư bản và Chủ nghĩa xã hội.

Cuộc cách mạng đó đã mở ra con đường cách mạng vô sản, cách mạng giải phóng dân tộc cho giai cấp công nhân ở các nước tư bản và nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc, là tấm gương chói lọi thức tỉnh và cổ vũ các dân tộc bị áp bức đứng lên tự giải phóng.

Cách mạng Tháng Mười Nga đánh dấu sự thắng lợi của Chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời mở đường cho chủ nghĩa Mác - Lênin thâm nhập vào tất cả các quốc gia, dân tộc khác nhau trên thế giới, nhất là các nước thuộc địa và phụ thuộc; cung cấp những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu cho phong trào cách mạng thế giới.

Từ sau Cách mạng Tháng Mười, phong trào cách mạng ở mỗi nước- trong đó có Việt Nam - trở thành một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng thế giới. Ngay từ năm 1927, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong tác phẩm "Đường Kách mệnh” đã nêu rõ: "Chỉ có đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười - con đường duy nhất đúng đắn - Cách mạng Việt Nam mới giành được độc lập, tự do thực sự”.

Trong gần trọn một thế kỷ, nhân loại đã trải qua bao nỗi thăng trầm, nhưng cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn là một trong những sự kiện trọng đại nhất của lịch sử thế giới hiện đại.

Nếu không có Cách mạng Tháng Mười, không có nước Nga Xô viết thì thật khó hình dung gương mặt thế giới hôm nay ra sao. Chiến tranh thế giới lần thứ 2 khốc liệt đến thế, chiến sĩ Nga, người dân nước Nga hy sinh nhiều đến thế, trước hết là cho Liên bang Xô viết, mà cũng là cho toàn thế giới. Chủ nghĩa phát xít bị chặn đứng, bị đập tan, trong đó có công lao rất lớn của người Nga và cộng đồng các dân tộc anh em trong Liên bang Xô viết. Có được điều đó đều xuất phát từ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, đúng vào ngày hôm nay của 96 năm về trước.

Cuộc trường chinh của dân tộc Việt Nam thế kỉ XX gắn bó chặt chẽ với cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. Đó là cuộc đấu tranh thoát khỏi gông cùm nô lệ, tự mình quyết định số phận của mình, xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

Kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (tháng 8/1945), Liên bang Xô viết trước kia và nước Nga ngày nay vẫn luôn sát cánh cùng chúng ta. Nhiều thế hệ sĩ quan quân đội, trí thức, nhiều nhà chính trị đã được học tập, tôi luyện tại Liên Xô cũng như tại nước Nga- quê hương của Lênin. Trong mối quan hệ thẳm sâu ấy, người Việt Nam biết đến một nền văn hóa Nga, tính cách Nga hết sức độc đáo, vĩ đại. Gần một thế kỉ qua, nhiều nhà văn, nhà thơ Nga đã đi vào tâm thức của người Việt, trong đó có Lev Tolstoi, Lermontov, Esenhin, Dostoievsky... sau này là Maiakopsky, Marxim Gorky, Solokhov, Alek Tolstoi. Văn học Nga đã được người Việt Nam đón nhận như "người nhà”, số phận của những người Nga trong văn học cũng được người Việt Nam chia sẻ, nhìn thấy hình bóng mình trong đó.

Thật cảm động khi Việt Nam đón những cựu binh Xô viết trong dịp 40 năm Hà Nội chiến thắng B52, vào cuối năm 2012. Tất cả những sỹ quan Xô viết ngày đó nay đã già nua, tóc bạc, bước đi không còn chắc khỏe, nhưng họ đã đến Việt Nam như ngày nào cùng nhau sát cánh trên chiến hào. Những cựu binh Xô viết- Việt Nam gặp lại nhau trong ấm áp ân tình.

Lịch sử có những bước đi khó lường. Liên bang Xô viết không còn, nhưng tình cảm Nga- Việt thì mãi mãi còn đó. Hai dân tộc, hai quốc gia đã có chung một quãng đường dài kề vai sát cánh trong bom đạn. Thập kỉ 80-90 của thế kỉ XX, người Việt sang Nga làm ăn sinh sống rất nhiều. Nước Nga, người dân Nga vẫn dang vòng tay đón nhận, vẫn coi như những người thân thiết.

Ngày 12/11 tới, Tổng thống Nga Putin sẽ sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Đó là chuyến thăm quan trọng của nguyên thủ một đối tác chiến lược toàn diện. Còn hôm nay, 7-11, đúng ngày kỉ niệm 96 năm cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, "Tàu ngầm Hà Nội”- tàu ngầm đầu tiên trong số 6 tàu ngầm lớp Kilo 636 mà Nga đóng theo đơn đặt hàng của Việt Nam sẽ được chuyển giao cho Hải quân Việt Nam, bắt đầu hành trình về cảng Cam Ranh.

Nhà máy đóng tàu Admiralty (ở TP Saint-Petersburg, Nga), sẽ chuyển giao cho khách hàng Việt Nam chiếc tàu ngầm đầu tiên vào ngày 7-11. "Việc chuyển giao tàu cho Hải quân nước CHXHCN Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 7-11. Biên bản cuối cùng về việc tiếp nhận sản phẩm sẽ được ký kết tại LB Nga vào cuối tháng 1-2014, sau khi tàu ngầm được đưa đến vịnh Cam Ranh” - nguồn tin công nghiệp đóng tàu Nga cho biết. Con tàu này mang ký hiệu HQ 182. Cũng thông tin này cho biết, trong năm 2013 này Nhà máy đóng tàu Admiralty sẽ chuyển giao cho Hải quân Việt Nam 2 chiếc đầu tiên trong 6 tàu ngầm điện- diesel Kilo 636 trong hợp đồng đã ký với Việt Nam năm 2009, nhân chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chiếc tàu ngầm thứ 2 cũng đã hoàn thành các chuyến thử nghiệm trên biển và được đặt tên là "Tàu ngầm Thành phố Hồ Chí Minh”, ký hiệu HQ-183. Cả 2 chiếc tàu ngầm hiện đại này đã trải qua các đợt thử nghiệm đi biển, thực hiện thành công nhiều chuyến lặn sâu; trong đó có chuyến lặn sâu 190 mét vào lòng đại dương...

Tàu ngầm điện-diesel project 636 Varshavyanka, NATO gọi là Kilo, thuộc thế hệ tàu ngầm thứ 3. Ưu thế quan trọng nhất của Kilo 636 là có tiềm năng hiện đại hóa lớn, cho phép tích hợp vũ khí tối tân, mở rộng đáng kể tầm bắn tiêu diệt mục tiêu. Đây cũng là loại tàu ngầm thuộc loại êm nhất thế giới, được mệnh danh là "hố đen trong đại dương”. Tàu ngầm lớp Kilo 636 dài 73,8m, rộng 9,9m, có lượng giãn nước từ 3.000-3.950 tấn (tải trọng tối đa), tốc độ 20 hải lý/giờ, hoạt động ở độ sâu trung bình là 240 mét và có thể lặn sâu tối đa 300 mét, tầm hoạt động 6.000 - 7.500 hải lý (khi chạy ở tốc độ 7 hải lý/h), thời gian hoạt động độc lập 45 ngày đêm, với thủy thủ đoàn 52 người.

Như vậy, chí ít là vắt sang 2 thế kỉ, Việt Nam và Nga- trước đây là Liên bang Xô Viết - đã gắn bó thâm tình. Điều căn cốt đó khởi nguồn từ cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại do vị lãnh tụ thiên tài V.I. Lênin chèo lái, từ 96 năm trước.

theo Đại đoàn kết
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 278.891
Truy cập hiện tại 554