Tìm kiếm
Ngày 18/11/1930, ngày thành lập Mặt trận dân tộc Thống nhất Việt Nam
Ngày cập nhật 13/11/2014

Như chúng ta đều biết: Cương lĩnh vắn tắt và sách lược vắn tắt được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã xác định: Cách mạng Việt Nam là cách mạng tư sản dân quyền với hai nhiệm vụ chiến lược, có quan hệ khắng khít với nhau, là đánh đổ đế quốc và phong kiến, giành độc lập dân tộc, xây dựng Nhà nước dân chủ, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Các văn kiện trên cũng khẳng định: Cuộc cách mạng đó phải lấy công nông là động lực chính do giai cấp công nhân lãnh đạo và là một bộ phận của cách mạng thế giới. Ngoài công nông, Đảng cần tranh thủ các giai cấp, các tầng lớp có tinh thần dân tộc; phân hóa, cô lập những phần tử chống phá cách mạng.

 

Cương lĩnh tuy là vắn tắt nhưng cũng đã nêu ra những nguyên tắc về chiến lược, sách lược xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất với nội dung cơ bản là: Đảng của giai cấp vô sản phải lãnh đạo nhân dân làm cách mạng; cuộc cách mạng đó phải dựa vào dân cày nghèo, lôi kéo về phía mình các tầng lớp tiểu tư sản, trí thức, trung nông. Đối với phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản Việt Nam mà chưa ra mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít ra làm cho họ trung lập; bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng thì phải đánh đổ.

Như vậy là ngay khi mới ra đời, Đảng ta đã chủ trương đoàn kết các giai cấp, các tổ chức chính trị, kể cả các cá nhân nhằm phát huy sức mạnh yêu nước truyền thống, huy động mọi lực lượng dân tộc có thể huy động được, chĩa mũi nhọn vào kẻ thù chung là đế quốc và phong kiến để giành độc lập dân tộc.
Nhờ những chủ trương, chính sách về Mặt trận được triển khai cùng các Nghị quyết khác của Đảng đã dấy lên một cao trào cách mạng chưa từng có mà đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Khí thế của công – nông qua cao trào đã thu hút rất nhiều người giầu có tham gia cuộc đấu tranh và đồng tình ủng hộ cuộc cách mạng. Cao trào cách mạng diễn ra trên một quy mô lớn từ Bắc đến Nam, từ miền xuôi đến miền ngược với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, của các dân tộc đa số cũng như thiểu số. Cũng qua cao trào Xô viết-Nghệ Tĩnh, Đảng ta đã nhận thấy tầm quan trọng và tính cấp bách phải sớm thành lập Mặt trận thống nhất phản đế.
Cùng với việc thông qua Luận cương chính trị của Đảng cộng sản Đông Dương, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng họp tháng 10 năm 1930 đã thảo luận và thông qua hàng loạt văn kiện quan trọng, liên quan trực tiếp đến công tác dân vận và thành lập Mặt trận như: Công nhân vận động; Điều lệ Tổng công hội Đông Dương; Điều lệ công hội; Nông dân vận, Điều lệ Tổng nông hội Đông Dương; Điều lệ nông hội làng; Điều lệ Ban chấp hành nông hội xã bộ; Án nghị quyết về cộng sản thanh niên vận động, phụ nữ vận động…và cuối cùng là Án nghị quyết về vấn đề phản đế của Trung ương toàn thể Hội nghị.
Để làm rõ hơn những điều đã nêu trong Luận cương chính trị, Án nghị quyết về vấn đề phản đế nhận định: Ở Đông Dương có nhiều lực lượng phản đế mà hiện nay cần phải liên hiệp lại làm một phong trào thống nhất để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa, mưu giải phóng cho xứ Đông Dương. Phê phán những nhận thức sai trái, xem nhẹ các “đoàn thể phản đế”, Nghị quyết nhấn mạnh:
“Việc tổ chức phản đế là trách nhiệm cần kíp của Đảng, thế mà từ trước tới giờ, Đảng không có kế hoạch xác đáng để tổ chức Hội ấy, chỉ tổ chức cá nhân mà thôi, không hề chú ý đến các đoàn thể cách mạng phản đế” (1)
Về tổ chức và tính chất của Mặt trận thống nhất phản đế, Án nghị quyết nêu rõ: “Phải chiêu tập các hội công nông, học sanh, binh lính, thanh niên, phụ nữ và các đảng phái cách mạng khác (như Quốc dân Đảng…) lại mà tổ chức ra cho thành một hội phản đế ở Đông Dương. Khi hội phản đế đã thành lập rồi thì có thể cho từng người vào, những phải chú ý đừng để cho số người này thành lập một bộ phận trọng yếu trong hội” (2)
Về hoạt động: Án nghị quyết yêu cầu Hội phải hoạt động công khai trong quần chúng, tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh hàng ngày của công nông.
Về mục đích của Mặt trận thống nhất phản đế, Điều lệ đồng minh phản đế nêu rõ: Đoàn kết lực lượng cách mạng phản đế lại để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa, mưu việc hoàn toàn độc lập cho xứ Đông Dương và bênh vực phong trào giải phóng ở các thuộc địa và bán thuộc địa.
Tuy những nội dung, quan điểm về Mặt trận dân tộc thống nhất còn sơ khai, còn nhiều hạn chế và thiếu sót, song phải khẳng định rằng đó là những viên gạch đầu tiên mà Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng họp tháng 10 năm 1930 đã đặt nền móng để tiến tới xây dựng và tổ chức Mặt trận trong các giai đoạn tiếp theo là Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên – Việt, Mặt trận Tổ quốc; Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau khi thống nhất đất nước, ngày càng hoàn thiện hơn.
Chỉ hơn một tháng sau “Án nghị quyết về vấn đề phản đế” ra đời, ngày 18-11-1930 Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị thành lập Hội phản đế đồng minh. Bản chỉ thị ra đời đánh dấu sự trưởng thành về nhận thức và chỉ đạo thực tiễn của Đảng trong quá trình xây dựng và tổ chức Mặt trận dân tộc Thống nhất.

*        *
*

Trải qua 81 năm tồn tại và phát triển với nhiều hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, song Mặt trận dân tộc thống nhất đều nhằm một mục đích là mở rộng hàng ngũ yêu nước và cách mạng, tạo ra sự phối hợp và thống nhất hành động giữa các lực lượng trong dân tộc để hoàn thành những mục tiêu cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã đề ra.
Trong công cuộc đổi mới hiện nay, “Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục tăng cường tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập hợp, đoàn kết nhân dân, thực hiện dân chủ, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước”. (3)

(1) Văn kiện Đảng về vấn đề Mặt trận dân tộc thống nhất. NXB Sự thật – Hà Nội 1971, trang 19
(2) Văn kiên Đảng toàn tập, tập 2 trang 195. NXB Chính trị quốc gia – Hà Nội 1998

Theo cổng thông tin UBMTTQ TP Hà Nội.
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 278.891
Truy cập hiện tại 556