Tìm kiếm
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận
Ngày cập nhật 25/05/2015

Từ khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng, thì Ban Dân vận là ban đầu tiên của Đảng tổ chức cuộc hội thảo như thế này. Nên chăng các ban, các tổ chức khác của Đảng, các bộ của Chính phủ cũng tổ chức những cuộc hội thảo khoa học để quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh vào công việc của mình, ngành mình thì chắc là tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ đi sâu vào cuộc sống hơn nữa. Bài báo Dân vận của Bác về công tác dân vận hay quá, đến nay vẫn còn có tính thời sự đối với chúng ta.

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÔNG TÁC DÂN VẬN*

 

VÕ NGUYÊN GIÁP**

 

Từ khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng, thì Ban Dân vận là ban đầu tiên của Đảng tổ chức cuộc hội thảo như thế này. Nên chăng các ban, các tổ chức khác của Đảng, các bộ của Chính phủ cũng tổ chức những cuộc hội thảo khoa học để quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh vào công việc của mình, ngành mình thì chắc là tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ đi sâu vào cuộc sống hơn nữa.

Bài báo Dân vận của Bác về công tác dân vận hay quá, đến nay vẫn còn có tính thời sự đối với chúng ta.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh: Tất cả vì dân, tất cả do dân, có dân là có tất cả. "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân"1, không có gì cao cả hơn là phục vụ dân. Quan niệm của Bác Hồ về dân là như thế. Cho nên, bài Dân vận tuy ngắn nhưng nội dung và ý nghĩa của nó lại rất lớn và rất quan trọng.

Trong lịch sử cổ, trung, cận, hiện đại người ta cũng đã bàn tới chữ dân. Thời kỳ trước đây ở Liên Xô nếu nói đến chữ "Dân" sẽ bị quy kết là phái "Dân túy". Nhưng ở Việt Nam, Bác Hồ nói đến "Dân" thì tất cả chúng ta ở trong Đảng cũng như ngoài Đảng đều chấp nhận. Vậy phải chăng Bác xem nhẹ vấn đề giai cấp. Không, hoàn toàn không phải như vậy. Nghiên cứu quan niệm về "Dân" của Hồ Chí Minh cần có quan điểm lịch sử cụ thể xuất phát từ yếu tố đặc thù trong truyền thống của dân tộc ta. Bởi vì, trong xã hội ta, từ xưa đến nay, người ta thường phân biệt "quan và dân”. Thời kỳ Bác ra đi tìm đường cứu nước, hay thời Bác thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trong xã hội ta, sự phân hóa giai cấp cũng chưa sâu sắc như ở các xã hội tư bản phương Tây. Giai cấp công nhân Việt Nam lúc đó số lượng còn nhỏ, tuyệt đại bộ phận là nông dân. Tư bản bản xứ mới hình thành. Năm 1929, tôi viết một bài nghiên cứu về giai cấp tư sản ở nước ta, thống kê các công ty tư bản ở Đông Dương có vốn trên một triệu đồng có 29 công ty, trong đó chỉ có một công ty là của người Việt Nam thôi. Như thế, rõ ràng trong xã hội ta lúc đó phân hóa giai cấp chưa sâu sắc.

Rõ ràng, không phải Bác Hồ khi nói đến "Dân" là không có quan điểm giai cấp, mà trái lại, ta thấy nhiều bài nói và viết khi xác định lực lượng của cách mạng Bác vẫn lấy "dân chúng với công nông là nòng cốt". Người còn nói: "muốn cách mệnh thành công thì phải có đảng cách mệnh". Đảng phải tập hợp những phần tử ưu tú của công nhân, nông dân và trí thức. Như thế là "Dân" ở Việt Nam là một phạm trù rất rộng mà vẫn bao hàm tính giai cấp.

Nhìn lại lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, "Dân" là tất cả con cháu Lạc Hồng. Bác cho rằng, hễ ai là người Việt Nam thì ít nhiều đều có ý thức dân tộc và lòng yêu Tổ quốc, chỉ trừ một số ít bọn phản quốc, bọn phản bội. Do vậy, theo tư tưởng của Bác, đoàn kết là điểm "Mẹ". Cho nên, phải làm dân vận đối với tất cả mọi người, khơi dậy lòng yêu nước trong mỗi con người và tất cả mọi người, không để sót một ai, người nào cũng là đối tượng tranh thủ. Điều này thể hiện trong chính sách "đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”, mà bây giờ ta đang thực hiện.

Nếu như hiện nay nói đến công tác dân vận mà không nói đến đại đoàn kết, không nói đến mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất để xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội là không thực hiện đúng tư tưởng Hồ Chí Minh. Có lẽ, chỉ Hồ Chí Minh mới nói được câu bất hủ và độc đáo là: Mặt trận dân tộc thống nhất là một lực lượng cách mạng to lớn không những trong cách mạng giải phóng dân tộc mà cả trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đại hội Mặt trận vừa mới thông qua Cương lĩnh mà nội dung chủ yếu là làm sao đoàn kết tất cả mọi người dân vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Điều đó là cực kỳ quan trọng, là trở lại một trong những tư tưởng chiến lược rất cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

2. Vai trò của người dân qua các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc

Ba lần chống quân Mông Nguyên vào thế kỷ XIII, dân tộc ta hưởng ứng lời hịch của Trần Hưng Đạo, phần lớn dân ta lúc ấy đều khắc hai chữ "Sát Thát” vào cánh tay để thể hiện ý chí quyết tâm đánh giặc và thắng giặc. Sức mạnh của trăm họ, của mọi người dân thật là to lớn. Lời hịch nổi tiếng đã động viên, vận động trăm họ vùng lên quyết chiến. Đó quả là một hình thức "dân vận" rất giỏi của cha ông lúc bấy giờ.

Vào thế kỷ XIII, xã hội ta là một xã hội phong kiến, kinh tế nông nghiệp lạc hậu; còn kẻ địch Mông - Nguyên tuy nước lớn, quân đông, nhưng về kinh tế xã hội thì cũng vẫn còn phong kiến, kinh tế nông nghiệp lạc hậu. Quân Mông Nguyên xâm chiếm nước ta, dân tộc ta nhất tề đứng lên chống giặc ngoại xâm. Cả hai bên đánh nhau cũng chỉ với vũ khí thô sơ... Kết cục, ta đã chiến thắng, bởi dân tộc ta có sức mạnh vô biên đó là sức dân, lòng dân.

Bước vào thời kỳ lịch sử cận, hiện đại từ giữa thế kỷ XIX trở đi, cục diện thế giới đã đổi thay. Khi thực dân Pháp đến xâm lược nước ta thì Pháp đã là một nước tư bản chủ nghĩa, với nền công nghiệp bước đầu phát triển, quân đội được trang bị tương đối hiện đại. Trong lúc đó thì Việt Nam vẫn là một xã hội phong kiến, kinh tế lạc hậu, quân đội trang bị rất kém cỏi. Do vậy, phong trào kháng Pháp nổ ra ở khắp nơi, nhưng đều thất bại. Vấn đề đặt ra là, trong điều kiện so sánh lực lượng chênh lệch như vậy, làm thế nào để đánh thắng được kẻ địch tư bản đế quốc lớn mạnh. Điều đó không chỉ đặt ra cho nước ta mà còn cho nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Tiếp nối truyền thống từ thời hai Bà Trưng, đến các thời đại sau này, ta đều tìm sức mạnh ở "Dân". Trong cục diện mới, phải làm sao phát động được sức mạnh mới của dân, một sức mạnh to lớn hơn nhiều lần thì mới thắng được kẻ thù. Phải đợi đến khi Đảng ta ra đời mới tìm ra được con đường cứu nước đúng đắn. Đảng ta và Bác Hồ đã đề ra được đường lối kháng chiến toàn dân, vũ trang toàn dân, kế tục và nâng cao truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước của mỗi một người dân và của toàn thể nhân dân. Đoàn kết tạo nên một sức mạnh mới, sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX.

Lời hịch kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ đã nêu rõ: Hỡi đồng bào toàn quốc, bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ... hễ là người Việt Nam thì đều phải đứng lên giết giặc cứu nước. Thử hỏi, trên thế giới đã có nước nào lại kêu gọi cả đàn bà, cả người già, người trẻ ra đánh giặc như Việt Nam. Mỗi một người dân phải là một chiến sĩ, mỗi một làng xóm phải là một pháo đài.

Sau này, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kẻ thù là một nước đế quốc đầu sỏ, với tiềm lực kinh tế quân sự cực kỳ to lớn, Bác lại kêu gọi: 31 triệu đồng bào phải là 31 triệu dũng sĩ diệt Mỹ. Thực tế đã diễn ra như thế, chứ không phải nói văn chương, và ta đã chiến thắng.

Cho nên, Bác đã nói: cuộc chiến tranh của ta là một cuộc chiến tranh thực sự của nhân dân, nó là một cuộc chiến tranh toàn dân. Tư tưởngtoàn dân đã tạo nên sức mạnh vô địch chiến thắng mọi kẻ thù. Nói như vậy, cũng có nghĩa là trong 30 năm chiến tranh, Đảng ta luôn xác định đúng đối tượng của công tác dân vận là mỗi một người dân, là toàn dân. Tổng kết công tác dân vận trong kháng chiến sẽ đưa lại những kinh nghiệm vô cùng quý giá. Toàn dân đoàn kết kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã đưa lại kết quả hào hùng: là một nước nhỏ mà lại là nước đầu tiên trên thế giới đánh thắng hai đế quốc to là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

3. Ai làm công tác dân vận?

Đảng ta có Ban Dân vận, có các tổ chức chính trị, xã hội, văn hóa, văn nghệ, khoa học, công nghệ, các đoàn thể nhân dân, các hiệp hội khoa học và nghệ thuật..., đều có nhiệm vụ vận động nhân dân. Các tổ chức ấy đã làm dân vận và đang làm dân vận. Có tổ chức làm tốt, có tổ chức làm chưa tốt, thậm chí cũng còn có tổ chức chưa làm. Vì vậy, nên tìm hiểu cho rõ nguyên nhân vì sao lại có tình hình đó? Từ khi có Nghị quyết Trung ương lần thứ tám đến nay, công tác dân vận của chúng ta đã có nhiều khởi sắc, tạo ra những phong trào tốt. Nhưng các báo cáo thường mới phản ánh mặt làm được, ít nói đến mặt chưa làm được. Thực tế, có những nơi vẫn còn là "vùng trắng" về công tác dân vận. Vậy ở những nơi đó ai sẽ đảm nhiệm công tác này.

Bác chỉ rõ: "Tất cả các cán bộ chính quyền, tất cả các cán bộ đoàn thể, tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân... đều phải phụ trách dân vận". Bác nói đến cán bộ chính quyền trước, vì Đảng ta là đảng cầm quyền; cán bộ chính quyền có chức năng ra quyết định về chính sách, về nhân sự, và thực hiện chính sách ấy. Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng, chính quyền làm công tác dân vận bằng cách đề ra những chính sách đúng đắn hợp với lòng dân. Đương nhiên, không phải là mị dân, theo đuôi dân hay mệnh lệnh quan liêu. Trên cơ sở phát huy dân chủ, phát huy sáng kiến của dân, kết hợp thực tiễn với lý luận, thì chúng ta sẽ xây dựng được chính sách đúng đắn. Chính quyền còn có trách nhiệm tạo điều kiện và phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội để làm tốt công tác dân vận. Đáng chú ý là hiện nay còn không ít trường hợp không chịu lắng nghe dân, hoặc vì thiếu dân chủ nên dân không dám nói; hoặc có nghe dân nói nhưng rồi cứ để đấy, thậm chí có khi làm ngược lại.

Đảng có làm công tác dân vận không? Bác nói: "Tất cả cán bộ Đoàn thể... đều phải phụ trách dân vận". Đoàn thể đây là Đảng, bởi vì lúc bấy giờ Đảng chưa ra công khai. Dân vận là vận động nhân dân làm theo đường lối của Đảng. Khi mới thành lập, Đảng ta đã có đường lối hợp với lòng dân, hợp với xu thế của thời đại. Những năm 40, Đảng đã đề ra Mười chính sách lớn của Việt Minh được mọi tầng lớp nhân dân tin tưởng và hưởng ứng. Do làm tốt công tác dân vận nên đường lối và chính sách của Đảng đã biến thành sức mạnh phi thường; đảng viên lại gương mẫu, đi đầu trong sự nghiệp cứu nước, cho nên tuy số lượng đảng viên hồi đó chỉ mới có mấy ngàn mà đã phát động được cao trào cách mạng, cùng toàn dân đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công. Tiếp đó, trong suốt ba mươi năm kháng chiến, với đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn, phát huy được tiềm lực sáng tạo của nhân dân, Đảng và Nhà nước ta đã động viên, tổ chức toàn dân làm nên thắng lợi vĩ đại.

Đảng ta, Nhà nước ta và các tổ chức xã hội có nhiều kinh nghiệm và cách làm dân vận thật phong phú. Hồi còn hoạt động bí mật thì người này rỉ tai người kia, tranh thủ từng người, từng nhà, từng lúc để vận động; tổ chức các hội cứu quốc; ra lời kêu gọi đồng bào... Chúng ta cũng đã từng chứng kiến tác dụng to lớn của lời hịch một phương thức làm công tác dân vận của Bác Hồ trong ngày toàn quốc kháng chiến. Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, của chính quyền cũng là một hình thức làm dân vận. Cách này ta làm đã nhiều và tương đối có nền nếp. Cái tốt là có nhiều trường hợp Đảng, Nhà nước đã tổ chức lấy ý kiến của dân trước khi quyết định chủ trương, chính sách. Tiếc rằng, có nơi, có lúc vẫn còn tình trạng ý kiến của dân, của cơ sở chưa được phản ánh kịp thời, đầy đủ lên đến cấp có thẩm quyền quyết định.

Học tập để quán triệt nghị quyết là cần, nói chung là tốt. Nhưng cũng phải nói rằng, nghị quyết đã nhiều, học tập lại kéo dài ngày, có khi người phổ biến trình độ lại không bằng người nghe, nên thường mất nhiều thời gian mà lại chậm được triển khai vào cuộc sống.

Ngày nay, các phương tiện thông tin đại chúng phát triển cực kỳ nhanh: báo chí, phát thanh, truyền hình... Năm trước, trong dịp đi thăm Trung Quốc, Trưởng ban Tuyên huấn của bạn cho tôi biết lượng thông tin về các mặt đến với người dân có đến 80% là do các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó một phần khá quan trọng là của nước ngoài; 10% là do trong nhân dân truyền miệng với nhau; phần do các cơ quan có thẩm quyền phổ biến chỉ chiếm 10%. Chúng ta cần thấy vai trò hết sức quan trọng của các phương tiện thông tin đại chúng để có chủ trương, kế hoạch phát triển, quản lý và sử dụng phục vụ tốt công tác dân vận.

4. Công tác dân vận trong tình hình hiện nay

Cục diện thế giới đã và đang trải qua những đảo lộn chưa từng thấy. Ở trong nước, Đảng ta đang thực hiện đường lối đổi mới, chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện chính sách mở cửa, thực hiện chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hoá... Đường lối đổi mới của Đảng đã giành được những thắng lợi to lớn. Vấn đề đặt ra cho công tác dân vận là: trong khi kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phải đổi mới nội dung và hình thức để kịp thời đáp ứng yêu cầu của cách mạng.

Cơ chế thị trường mở cửa, với nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đã tỏ ra có những mặt tích cực rõ rệt: thu hút nguồn vốn từ nước ngoài, tiếp thu những công nghệ mới, những kiến thức quản lý mới, những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Đồng thời nó cũng bộc lộ nhiều mặt tiêu cực: tệ nạn xã hội phát triển, xu hướng chạy theo lối sống thực dụng của một xã hội tiêu thụ, sự xâm nhập của văn hóa không lành mạnh từ bên ngoài...

Trước những lời ca ngợi với động cơ khác nhau của dư luận thế giới đối với những thành tựu đổi mới của Việt Nam, chúng ta càng thêm phấn khởi tin tưởng, năng động và sáng tạo vững bước tiến lên trong vận hội mới; đồng thời không mảy may chủ quan tự mãn, mà phải thấy hết những khó khăn thử thách để vượt qua. Chúng ta đang hòa bình xây dựng trên đất nước độc lập, thống nhất, vấn đề bảo vệ hòa bình, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ chế độ vẫn là một nhiệm vụ chiến lược hết sức quan trọng. Chúng ta phải luôn cảnh giác đối với những mưu đồ đen tối muốn thực hiện "diễn biến hòa bình", hòng thủ tiêu những thành quả vĩ đại của cách mạng mà nhân dân ta đã giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Công tác dân vận hiện nay cần làm cho mỗi một người dân, nhất là thế hệ trẻ, nhận rõ những thuận lợi và khó khăn nói trên, đoàn kết phấn đấu giữ vững ổn định chính trị xã hội và bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh với một chiến lược tổng hợp: chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, ngoại giao... Hơn lúc nào hết, con người Việt Nam cần sống, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại, không chỉ vì lợi ích chính đáng của bản thân và gia đình mà còn vì lợi ích cao cả của đất nước, của dân tộc.

Chúng ta đang thực hiện chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, nhanh chóng mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế. Chúng ta cần coi trọng hơn nữa mở rộng quan hệ hữu nghị với nhân dân bè bạn, với các lực lượng hòa bình và tiến bộ trên thế giới, đẩy mạnh công tác ngoại giao nhân dân. Đây cũng là một nhiệm vụ rất quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới.

Vừa qua trong dịp đi thăm Italia, các bạn Italia có nói với tôi, họ đã từng có một "thế hệ Việt Nam". Thế hệ ấy đã hết lòng ủng hộ Việt Nam trong kháng chiến. Hiện nay, có những người thuộc thế hệ ấy đang giữ những vị trí quan trọng trong xã hội, nhưng các bạn Việt Nam hình như đã quên họ, trong khi họ vẫn nhớ và sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam. Suy cho cùng, thực chất của công tác dân vận là xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân. Từ thực tiễn hoạt động sản xuất và chiến đấu của dân và góp phần xây dựng thành chính sách, đường lối của Đảng. Khi đã có đường lối, chính sách thì công tác dân vận lại có nhiệm vụ quán triệt và vận động nhân dân thực hiện.

Cho đến nay, công tác dân vận đã có những thành tựu lớn, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Nguyên nhân chủ yếu là do Đảng ta có đường lối đúng đắn và sáng tạo, lấy chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Bác Hồ nói: "Không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động".

Chúng ta phấn khởi thấy Trung ương Đảng ta coi công tác lý luận là một vấn đề quan trọng hàng đầu. Chúng ta hiện đang đi vào thực tiễn nước ta và thực tiễn thế giới để sơ kết, tổng kết, đề ra đường lối đổi mới. Chúng ta đang tiếp tục nghiên cứu để phát hiện những bước đi thích hợp, tìm ra và hoàn thiện dần con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Đây là một nhiệm vụ lớn lao, đòi hỏi trí tuệ của đông đảo quần chúng nhân dân, của các nhà khoa học.

Muốn đi đến thành công, một tiền đề và điều kiện không thể thiếu là phải phát huy dân chủ. Bác Hồ dạy: "Nước ta là nước dân chủ...". Dân chủ để khơi dậy sáng kiến của người dân; trong lãnh đạo công tác lý luận lại càng phải dân chủ. Đồng chí Luyxiêng Xevơ, nhà triết học lớn của Đảng Cộng sản Pháp viết: "Cái bi kịch lớn nhất của cuộc đời Xtalin là triệt tiêu dân chủ trong lĩnh vực nghiên cứu lý luận". Phải thực sự dân chủ, lắng nghe những ý kiến khác nhau, có như vậy mới tìm ra chân lý. Tất nhiên ta phải biết phân biệt dân chủ chân chính, dân chủ có kỷ cương, có lãnh đạo, khác hẳn với dân chủ cực đoan, vô chính phủ.

Rất đáng tiếc là hiện nay có một bộ phận cán bộ và nhân dân không quan tâm đến lý luận, thậm chí không muốn nói đến lý tưởng, đến chính trị. Hiện tượng "phi chính trị" chẳng khác gì một hội chứng mất khả năng miễn dịch về chính trị, chẳng khác gì một thứ bệnh AIDS chính trị cực kỳ nguy hiểm. Công tác dân vận có nhiệm vụ chống lại hiện tượng ấy.

Bác Hồ nói: "Dân vận kém thì việc gì cũng kém; dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Trong tình hình mới, nhiệm vụ của dân vận càng hết sức nặng nề, đòi hỏi ở cán bộ dân vận những phẩm chất và năng lực mới.

Hy vọng rằng, sau cuộc hội thảo này, công tác dân vận của chúng ta sẽ có một bước phát triển mạnh mẽ, thực hiện bằng được lời dạy của Bác Hồ và các nghị quyết của Đảng về công tác dân vận.

http://tinhuytthue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 278.891
Truy cập hiện tại 11