Tìm kiếm
Bồi thường cho người bị oan sai - lương tâm và trách nhiệm
Ngày cập nhật 05/06/2015

Vấn đề oan sai và bồi thường thiệt hại cho người bị oan là vấn đề lớn của xã hội, đã được bàn thảo ở nhiều diễn đàn, hội thảo khoa học... Điều mà nhân dân mong muốn là phải tìm ra giải pháp để hạn chế mức thấp nhất oan sai và không “ngâm” việc bồi thường cho người bị oan.


 

          Ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang (thứ 2 từ trái qua) 
 cùng người nhà và luật sư đến Tòa án nhân dân Tối cao
          làm thủ tục bồi thường vì bị xét xử oan. Ảnh: Nguyễn Quyết.


Theo số liệu mới nhất của cơ quan chức năng, cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.379 bị can, nhưng số vụ làm oan người vô tội trong 3 năm qua là 71 trường hợp.

Nếu nhìn vào những con số, thì tỷ lệ làm oan người vô tội là con số rất nhỏ, nhưng lại là vấn đề lớn của xã hội, cần phải được ngăn chặn, đẩy lùi để việc "thượng tôn pháp luật" được thực hiện nghiêm ngay từ cơ quan bảo vệ pháp luật.

Mỗi vụ oan, sai thường có rất nhiều nguyên nhân, ngoài bất cập của pháp luật hình sự, còn có nhiều nguyên nhân khác như: Sự yếu kém về năng lực, trình độ của một bộ phận Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán; chưa thực hiện đúng nguyên tắc “suy đoán vô tội”, nặng về định kiến coi người bị bắt, bị can, bị cáo như là người có tội; việc tranh tụng tại phiên tòa chưa thực sự cởi mở, nặng về  “án tại hồ sơ”, chưa coi trọng “án tại phiên tòa”; gần 80% vụ án hình sự hiện nay chưa có luật sư nên chưa đảm bảo tranh tụng để tránh oan, sai...

Dù đã có Luật Trách nhiệm bồi thường nhưng cơ quan chức năng vẫn thừa nhận, việc giải quyết bồi thường cho người bị oan còn chậm. Điển hình là vụ ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình kéo dài 9 năm, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong...

Mô hình cơ quan bồi thường phân tán, khó xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường và việc giao cho cơ quan tố tụng đã làm oan có trách nhiệm giải quyết bồi thường, tạo ra tâm lý né tránh, kéo dài việc giải quyết bồi thường. 

Việc b
uộc người bị oan phải có tài liệu, giấy tờ... làm căn cứ chứng minh thiệt hại để yêu cầu bồi thường là việc khó nếu không muốn nói "đánh đố". Khi bị oan, sai, việc mà bị can, bị cáo và thân nhân họ phải làm là tìm thêm chứng cứ chứng minh sự vô tội và đi "gõ cửa" kêu oan, chứ không có đủ thời gian và sự tỉnh táo để lưu giữ tài liệu, giấy tờ chứng minh thiệt hại về kinh tế. Bên cạnh thiệt hại về vật chất được tính toán bằng tiền, thì những thiệt hại về tinh thần là không gì bù đắp được.

Sẽ không phải bồi thường cho người bị oan, nếu không có việc khởi tố, truy tố và xét xử oan, sai. Không ai muốn oan sai, nhưng khi xảy ra thì các cơ quan chức năng cần dũng cảm sửa sai, nhanh chóng hàn gắn vết thương về tinh thần và vật chất cho người bị oan, không nên để kéo dài việc giải quyết bồi thường. 

Tất nhiên, để xác định con số chính thức trong tính mức bồi thường là việc không hề đơn giản, nhưng không phải là không thể. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần linh hoạt trong áp dụng pháp luật. Có như vậy, công dân mới có cơ hội được đền bù những năm tháng đã phải ngồi tù oan.  

Đó không chỉ là luật pháp, mà còn là lương tâm và trách nhiệm!

http://dangcongsan.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 278.891
Truy cập hiện tại 12