Tìm kiếm
Mối quan hệ giữa luân chuyển với điều động, tăng cường cán bộ
Ngày cập nhật 19/10/2015

Công tác cán bộ có nhiều khâu, từ nhận xét, đánh giá đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ, thực hiện chính sách cán bộ… đều nằm trong một chỉnh thể thống nhất là công tác cán bộ của Đảng. Điều đó có nghĩa là giữa luân chuyển với điều động và tăng cường cán bộ có mối quan hệ hữu cơ với nhau, tác động và thúc đẩy lẫn nhau, nhưng lại không đồng nhất với nhau

Như vậy, giữa luân chuyển, điều động và tăng cường cán bộ có một số điểm chung và những điểm riêng, khác nhau.. 
1. Một số điểm giống nhau. 
Cho dù là cán bộ luân chuyển, điều động hay tăng cường đều phải thay đổi địa bàn công tác từ nơi này sang nơi khác theo chiều dọc hoặc chiều ngang ở tất cả các cấp, các ngành. 
Cán bộ luân chuyển hay cán bộ điều động, tăng cường đều xuất phát từ yêu cầu công tác, nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và cơ sở. 
Về tiêu chuẩn, các đồng chí được luân chuyển, hay được điều động, tăng cường đều phải có lập trường chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng và con đường XHCN, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới; có kiến thức và năng lực tham gia các quyết định của tập thể và khả năng tổ chức thực hiện, làm việc có hiệu quả; có đạo đức cách mạng, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, kiên quyết đấu tranh bảo vệ các quan điểm, đường lối của Đảng; gắn bó với quần chúng, được quần chúng tín nhiệm; có khả năng đảm nhận được một nhiệm vụ cụ thể ở địa phương, đơn vị. 
Về nguyên tắc, tất cả các quyết định về luân chuyển cán bộ, điều động hay tăng cường cán bộ đều phải tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ. Đồng thời với phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, khi quyết định những vấn đề về luân chuyển cán bộ, điều động và tăng cường cán bộ, nhất thiết phải do tập thể có thẩm quyền quyết định theo đa số, nhằm tạo sự thống nhất cao trong triển khai thực hiện. Những cán bộ được quyết định luân chuyển hay điều động, tăng cường đều phải đề cao ý thức tổ chức kỷ luật, sẵn sàng chấp hành sự phân công của Đảng. 
2. Một số điểm khác nhau: 
Cán bộ luân chuyển thường trẻ chưa kinh qua vị trí cán bộ lãnh đạo quản lý chủ chốt cấp dưới, kiến thức lãnh đạo, quản lý chưa toàn diện. Do vậy, luân chuyển cán bộ nhằm bồi dưỡng năng lực toàn diện, rèn luyện thực tiễn, góp phần đổi mới sâu sắc công tác cán bộ; vừa có tính đột phá, vừa là công việc thường xuyên ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến các địa phương. 
Cán bộ diện điều động thì ngược lại, phần lớn đã qua lãnh đạo, quản lý ở địa phương và bộ, ngành Trung ương, có kinh nghiệm và trưởng thành từ thực tiễn; một số đồng chí trong diện quy hoạch cán bộ quản lý các cấp. Cán bộ diện điều động không bị quy định thời gian công tác ở nơi mới là bao nhiêu năm, có thể ngắn mà cũng có thể lâu dài... 
Cán bộ diện tăng cường nhằm đáp ứng nhu cầu bức xúc, mang tính đột xuất trong từng thời điểm nhất định ở các địa bàn, địa phương, đơn vị. Do vậy, tính chất công việc, thời gian đối với cán bộ tăng cường vừa có tính khẩn trương, vừa đòi hỏi cao tính tập trung, dứt điểm. Cán bộ tăng cường phần lớn chỉ với tư cách tư vấn, tham mưu, không thực quyền quản lý, điều hành. 
Như vậy, cùng với những điểm chung, giống nhau thì cũng thấy tính chất và công việc cụ thể của từng loại cán bộ có sự khác nhau cả về yêu cầu, phương pháp và thời gian. Trong thực hiện, nếu không phân biệt rõ, dễ đánh đồng giữa các loại cán bộ; tác dụng của từng loại cán bộ sẽ không được phát huy đầy đủ. 
Như phân tích trên, luân chuyển, điều động và tăng cường cán bộ có mối quan hệ hữu cơ và tác động lẫn nhau. Trong mối quan hệ đó thì luân chuyển cán bộ là khâu đột phá, tăng cường cán bộ mang tính đột xuất, điều động, bố trí, sắp xếp cán bộ có tính thường xuyên. Tâm điểm và tiền đề để thực hiện việc luân chuyển, điều động, tăng cường cán bộ là đánh giá cán bộ. Bởi đánh giá cán bộ đúng thì luân chuyển, điều động và tăng cường cán bộ sẽ phát huy được tác dụng, công việc sẽ hiệu quả. Tuy nhiên, việc phân định tính chất, nhiệm vụ của từng loại cán bộ cũng chỉ là tương đối. Do vậy, không tuyệt đối hóa khâu nào và không được tách riêng lẻ, độc lập từng khâu. Nếu không, sẽ cắt khúc công tác cán bộ, dẫn đến chỉ đạo công tác cán bộ thiếu tập trung, thống nhất. 
Để công tác luân chuyển, điều động và tăng cường cán bộ được phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả, xin đề xuất 5 vấn đề chủ yếu sau: 
Một là, phải làm cho các cấp, các ngành thống nhất về nhận thức, hiểu đúng vấn đề luân chuyển, điều động và tăng cường cán bộ là nằm trong tổng thể chung của công tác cán bộ, nhưng không đồng nhất cán bộ luân chuyển với cán bộ điều động và cán bộ tăng cường. Vì mỗi loại cán bộ đều mang tính chất và yêu cầu cụ thể riêng. Mặt khác, cũng cần khắc phục khuynh hướng xem cán bộ luân chuyển là loại cán bộ "thử việc", dẫn đến xem thường và thiếu tôn trọng, hợp tác với cán bộ luân chuyển. Hơn nữa, luân chuyển cán bộ là khâu đột phá trước yêu cầu của thời kỳ mới, nhưng là việc Đảng ta đã làm từ xưa đến nay, cho nên nó vừa có tính đột phá, lại vừa là nhiệm vụ thường xuyên trong công tác cán bộ của Đảng. 
Hai là, phải bảo đảm sự đoàn kết, hợp tác giữa cán bộ được luân chuyển với cán bộ được điều động, cán bộ tăng cường với cán bộ tại chỗ. Cán bộ được cấp trên luân chuyển về địa phương để được trang bị kiến thức toàn diện, rèn luyện năng lực thực tiễn; khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ địa phương trong công tác cán bộ. Vì vậy, cán bộ luân chuyển cần được cán bộ tại chỗ, cán bộ điều động đồng tình, nhất trí cao, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ luân chuyển hoàn thành nhiệm vụ. Bản thân cán bộ luân chuyển phải biết lắng nghe, khiêm tốn, phấn đấu vươn lên đảm đương công việc được giao để khẳng định mình. Có như vậy mới tạo được sự đoàn kết, hợp tác, phát huy được sức mạnh tổng hợp giữa cán bộ luân chuyển, cán bộ tại chỗ và cả cán bộ điều động, cán bộ tăng cường vì sự ổn định và phát triển của ngành, địa phương. 
Ba là, cán bộ luân chuyển, cán bộ điều động và cán bộ tăng cường muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, tạo được sự đoàn kết thống nhất nội bộ, nêu gương cho đội ngũ cán bộ địa phương thì phải phấn đấu, rèn luyện, khắc phục tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, vì chủ nghĩa cá nhân chỉ nghĩ đến lợi ích riêng mình, không dám nhận nhiệm vụ ở nơi khó khăn, gian khổ, tham ô, tham nhũng, hám danh lợi, địa vị, coi thường tập thể, xem thường quần chúng, phô trương, hình thức… Và như vậy, sẽ dẫn đến sai phạm, nội bộ mất đoàn kết, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của cán bộ, kể cả cán bộ luân chuyển, cán bộ điều động, cán bộ tăng cường, ảnh hưởng xấu đến chất lượng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương… 
Bốn là, bản thân cán bộ luân chuyển cần khắc phục những biểu hiện của tư tưởng "tạm bợ", thiếu gắn bó với địa phương, không dám đấu tranh, ngại va chạm để giữ "yên ổn" nội bộ, tạo sự "an toàn" cho bước điều động sau luân chuyển. Với cấp trên, việc luân chuyển cán bộ phải bảo đảm nghiêm túc, thực chất. Cán bộ được luân chuyển cần phải qua thời gian nhất định (từ 3 đến 5 năm) để thực sự nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý, không nên "tráng men" để đề bạt. Chỉ như vậy, cán bộ được luân chuyển mới thật sự tu dưỡng, rèn luyện, học tập trong thực tiễn, thực sự hòa nhập vào cuộc sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương; gắn bó, hợp tác với cán bộ điều động, tăng cường. 
Năm là, để quan hệ "dọc" trong công tác luân chuyển cán bộ từ Trung ương đến cơ sở được thuận lợi, cần xử lý tốt một số vấn đề mà thực tế đặt ra là: Trung ương cho phép địa phương tăng thêm một số chức danh như phó bí thư cấp ủy tỉnh, huyện, thị; định biên chế chính thức và biên chế dự phòng ở các quận, huyện, thị xã hợp lý hơn, tạo thêm điều kiện để luân chuyển cán bộ từ huyện về xã và ngược lại. Thực tế, có một số cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn còn trẻ, có triển vọng phát triển cần luân chuyển lên huyện, quận, thị xã, nhưng do không có biên chế nên không luân chuyển được. Nếu giải quyết tốt vấn đề biên chế sẽ phục vụ tốt hơn cho công tác luân chuyển cán bộ về cơ sở và từ cơ sở về huyện, vừa tạo nguồn, vừa đổi mới đội ngũ cán bộ của huyện và cơ sở. Từ đó, có thể khắc phục dần việc tỉnh, huyện phải tăng cường cán bộ về cơ sở vì những yêu cầu nóng bỏng, đột xuất. 

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 278.891
Truy cập hiện tại 64