Tìm kiếm
Cần có các giải pháp căn cơ bền vững để xử lý tình trạng bèo tây phát triển
Ngày cập nhật 24/03/2016

Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính tại buổi họp với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế về giải quyết tình trạng bèo tây phát triển gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và môi trường vào chiều ngày 23/3.

Triển khai chưa thường xuyên và đồng bộ

Theo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, các chất thải sinh hoạt thải ra môi trường tự nhiên ngày càng nhiều, năm 2015 không có lũ lụt nên bèo tây phát triển mạnh ở hầu hết các sông, hói, vùng nội đồng và ao, hồ. Hiện nay, lượng bèo tây trên toàn tỉnh ước tính khoảng trên 1,6 triệu m2, tập trung chủ yếu ở các địa phương: thành phố Huế; thị xã Hương Trà, Hương Thủy và các huyện Phú Vang, Phú lộc, Quảng Điền, Phong Điền (nhiều nhất là ở huyện Phú Vang với hơn 669 ngàn m2). Bèo tây phát triển nhanh ở trên các sông, hói: sông Bạch Yến, An Cựu, Ngự Hà, hói Phát Lát…(thành phố Huế); sông Như Ý, Phố Lợi, Lợi Nông, Mộc Hàn, Vực, Đại Giang, Thiệu Hóa…(địa bàn thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang); sông Nịu, Sịa, Kim Đôi, An Xuân, thượng và hạ đập cửa Lát…(huyện Quảng Điền).

Để đảm bảo môi trường và nước tiêu cho sản xuất vụ đông xuân, thời gian qua các địa phương đã triển khai thực hiện việc vớt bèo tây. Tuy nhiên, do công tác thực hiện, giám sát và phối hợp giữa các địa phương chưa đồng bộ, cộng với địa hình khó khăn nên cũng chỉ vớt được số lượng nhỏ và ở những nơi dễ làm. Một khó khăn trong việc triển khai là việc trục vớt chủ yếu là bằng biện pháp thủ công; việc huy động lực lượng người dân tham gia vớt bèo khó khăn, kinh phí hỗ trợ cho việc này hạn chế.

Tại buổi họp, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang Hồ Viết Nhuận cho hay, việc vớt bèo chỉ có nông dân mới làm được, giao cho các tổ chức đoàn thể như đoàn Thanh niên, hội Phụ nữ thì chỉ làm theo dạng "Phong trào"; cùng với nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, huyện đã phát động mỗi hộ dân đóng góp 30.000 đồng, nhưng cũng chỉ vớt được bèo tây trên hói và vùng nội đồng; còn trên các sông, nhất là ở những đoạn giáp danh giữa các địa phương thì có hiện tượng “đùn đẩy trách nhiệm”; vì vậy, đề nghị việc vớt bèo trên sông, các địa phương giáp danh phải thống nhất thời gian cùng thực hiện.

Ông Đoàn Sĩ Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế cho biết thêm, vừa qua lượng bèo trôi trên sông Hương là khá lớn, để đảm bảo mỹ quan và môi trường đơn vị đã tiến hành trục vớt, tuy nhiên do lực lượng mỏng nên chưa giải quyết triệt để; giải pháp “tạm thời” mà đơn vị thực hiện hiện nay là dùng dây căng ngang sông trên các đoạn giáp danh ngăn bèo trôi nổi sau đó tiến hành trục vớt.

Phải có kế hoạch cụ thể

Tại buổi họp, lãnh đạo các sở ngành và địa phương đều cho rằng, do bèo tây phát triển nhanh và ở hầu hết các vùng nước nội đồng, hói và ven sông nên thực tế lượng bèo tây lớn hơn rất nhiều so với số lượng thống kê. Vì vậy, nếu khôngkịp thời giải quyết, giảm sự phát triển của bèo tây sẽ ảnh hưởng đến môi trường, các hoạt động giao thông đường thủy và công tác phòng chống hạn, tiêu thoát trong mùa mưa lũ. Nhất là Festival Huế 2016 đang cận kề, tình trạng bèo tây trôi nổi trên sông sẽ làm xấu hình ảnh du lịch của Huế đối với du khách.

Qua thực tế triển khai, các địa phương đều cho rằng cần phải thực hiện việc vớt bèo thường xuyên hàng năm. Để thực hiện hiệu quả việc này cần phải có kế hoạch vớt bèo cụ thể phù hợp với từng điều kiện của địa phương cũng như có kế hoạch phối hợp giữa các địa phương với nhau; đồng thời phải thực hiện phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” có như vậy mới huy động được lực lượng và chủ động nguồn kinh phí cho thực hiện việc này.

Kết luận tại buổi họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính cho rằng vấn đề vớt và xứ lý bèo tây cần phải xác định đây là trách nhiệm của địa phương; các sở, ngành liên quan chỉ có thể hỗ trợ về kinh phí và giải pháp xứ lý bèo sau khi vớt. Từ thực tế của các địa phương thì việc thực hiện cần phải có sự phối hợp không chỉ giữa huyện với huyện, xã với xã mà phải giữa thôn này với thôn kia. Vì vậy, trước mắt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính yêu cầu, các huyện, thị xã và thành phố Huế chủ động xây dựng lực lượng để ngày 29/3, đồng loạt ra quân vớt bèo và triển khai thực hiện cho đến ngày 10/4 phải cơ bản vớt được hết bèo trên các sông, hói, vùng nội đồng và ao, hồ.

Để có giải pháp căn cơ bền vững, về lâu dài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính yêu cầu các địa phương cần khảo sát toàn bộ diện tích mặt nước sông, hói và ao, hồ thường xuyên bị phủ bèo để đưa vào kế hoạch thực hiện hàng năm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và môi trường. Trên cơ sở đó, giao trách nhiệm cũng như cấp nguồn kinh phí cho các xã, phường, thị trấn thực hiện việc vớt bèo thường xuyên theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Các địa phương có chung dòng sông, hói phải phối kết hợp thực hiện đồng bộ; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường gắn với việc xây dựng nông thôn mới. Đối với các sở, ngành liên quan, Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần nghiên cứu đề tài khoa học để có giải pháp xử lý hiệu quả, nhất là áp dụng mô hình xử lý bèo làm phân vi sinh.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 278.891
Truy cập hiện tại 549